CÁC BỆNH PHỔ BIẾN Ở LAN HỒ ĐIỆP

NHẬN BIẾT SÂU BỆNH PHÒNG NGỪA CHO LAN

 

Xem thêm:

Phòng trừ sâu bệnh cho Lan Hồ Điệp P.1

Phòng trừ sâu bệnh cho Lan Hồ Điệp P.2

Phòng trừ sâu bệnh cho Lan Hồ Điệp P.3

 

 

1. Bệnh đen thân cây phong lan con

– Triệu chứng:

+ Vết bệnh xuất hiện ở gốc thân hoặc cổ rễ, màu nâu, sau đó lớn dần làm khô tóp đoạn thân gần gốc và cổ rễ, thân gốc có màu đen. Các lá phía trên chuyển sang màu vàng, cong queo dị hình.

+ Cây phong lan con thường chết sau 2-3 tuần bị nhiễm bệnh. Trong căn hành thường có một dải màu tím hoặc màu hồng nhạt. Các giống phong lan đều bị bệnh, hại nặng ở giống phong lan dendrobium.

– Nguyên nhân: Do nấm Fusarium oxysporum gây ra.

– Biện pháp phòng trừ: Nên tách những cây bị bệnh riêng và phòng trừ cho những cậy phong lan còn lại bằng cách phun hay nhúng cả cây vào thuốc trừ nấm. Nếu cây lớn hơn thì cắt bỏ phần thối rồi phun thuốc diệt nấm.

Các loại thuốc diệt nấm: Carboxin 1/2000 (lg thuốc hoà trong 2 lít nước) Zineb: 3/2000; Benlat: 1/2000.

Bệnh do nấm Fusarium oxysporum gây ra (ảnh: members.iinet)

2. Bệnh đốm lá ở phong lan

– Triệu chứng: vết bệnh thường có hình thoi hoặc hình tròn nhỏ (đường kính trung bình 1 mm), màu xám nâu, xuất hiện ở mặt dưới lá của phong lan. Bệnh nặng làm lá vàng, chóng rụng, cây cằn cỗi, sinh trưởng kém. Bệnh hại phổ biến trên giống lan Oncidium và Dendrobium.

– Nguyên nhân: Do nấm Cercospora sp gây ra.

– Biện pháp phòng trừ: Bệnh thường phát sinh, phát triển trong mùa mưa ở những vườn lan có độ ẩm cao và những vườn lan có hiện tượng thiếu lân, do đó có thể chăm sóc chu đáo kết hợp với phun thuốc trừ nấm để hạn chế bệnh này.

Bệnh do nấm Cercospora sp gây ra (ảnh: members.iinet)

3. Bệnh thán thư

– Triệu chứng: vết bệnh thường hình tròn, nhỏ, màu nâu vàng, xuất hiện từ mép lá, chót lá hoặc giữa phiến lá, kích thước trung bình từ 3-6 mm. Giữa vết bệnh hơi lõm màu xám trắng, xung quanh có gờ nhỏ, màu nâu đỏ, trên mô bệnh có nhiều chấm nhỏ màu đen là đĩa cành của nấm gây bệnh. Bệnh thường hại nặng trên giống phong lan Oncidium.

– Nguyên nhân: Do nấm Colletotrichum gloeosporioides gây ra.

– Biện pháp phòng trừ: Bệnh phát triển mạnh vào mùa mưa nên phải phòng trừ trước. Thường cắt bỏ lá vàng rồi phun thuốc diệt nấm 1 hoặc 2 tuần phun 1 lần. Trong mùa mưa cần phun 5-7 ngày/lần.

Do nấm Colletotrichum gloeosporioides gây ra (ảnh: hark-orchideen)

4. Bệnh thối nâu vi khuẩn

– Triệu chứng: vết bệnh màu nâu nhạt, hình tròn mọng nước, về sau chuyển sang màu nâu đen. Bệnh hại cả lá, thân, mầm, làm các bộ phận đó bị thối (kèm theo có mùi khó chịu). Bệnh hại nặng trên giống phong lan Oncidium và một số giống phong lan khác.

– Nguyên nhân: Do vi khuẩn Erwinia carotovora gây ra.

– Biện pháp phòng trừ: cắt bỏ phần thối rồi nhúng cây vào nước thuốc Natriphene hay Physan 20, tỷ lệ 1:2000, hoặc lấy vôi bôi vào vết cắt, ngừng tưới nước 1-2 ngày.

Bệnh do vi khuẩn Erwinia carotovora gây ra (ảnh: orchidando)

5. Bệnh thối mềm vi khuẩn

– Triệu chứng: Vết bệnh dạng hình bất định, ủng nước, màu trắng đục, thường lan rộng theo chiều rộng của lá cây phong lan. Gặp thời tiết ẩm ướt mô bệnh bị thối úng, thời tiết khô hanh mô bệnh khô tóp có màu trắng xám.

– Nguyên nhân: Do vi khuẩn Pseudomonas Gladioli gây ra.

– Biện pháp phòng trừ: cắt bỏ phần bị thối, dùng các loại kháng sinh như Streptomycin dạng bột dùng cho nông nghiệp, bôi vào vết cắt hoặc dùng lg Streptomycin và 2 viên Tetracyclin 500 hòa với 1,5 lít nước phun vào vườn lan.

Bệnh do vi khuẩn Pseudomonas Gladioli gây ra. (ảnh: orchidando)

6. Bệnh thối hạch

– Triệu chứng: Trên gốc thân cây phong lan, vết bệnh màu vàng nhạt sau chuyển sang màu vàng nâu, thân cây teo tóp, lá vàng. Trong những ngày cây phong lan đang bị sâu bệnh, do gốc rễ cây phong lan bị tổn thương nên thân lá thường răn rúm, cây phong lan sinh trưởng kém, bệnh nặng làm cây chết. Bệnh thối hạch hại nhiều giống phong lan, hại nặng giống Oncidium và giống phong lan Cattleya (chú ý phân biệt với các bệnh nấm khác: Trên mô bệnh thường có nhiều hạch nấm non màu trắng, hạch già màu nâu).

– Nguyên nhân: Do nấm Sclerotium rolfsii gây ra.

– Biện pháp phòng trừ: Trong các vườn lan có độ ẩm quá cao, hoặc các chậu treo sát nhau bệnh này phát triển mạnh, lây lan nhanh. Do đó phải hạn chế độ ẩm kết hợp với phun thuốc trừ nấm.

Bệnh do nấm Sclerotium rolfsii gây ra (ảnh: staugorchidsociety)

7. Bệnh đốm vòng cánh hoa

– Triệu chứng: vết bệnh nhỏ màu đen hơi lõm, hình tròn có vân đồng tâm. Bệnh hại nụ hoa, cuống hoa, đài hoa, cánh hoa làm mất vẻ đẹp của hoa và hoa bị rụng sớm. Trên mô bệnh thường cỏ lớp nấm mối màu đen, trời mưa vết bệnh thường phát triển làm thối lá. Bệnh hại nặng trên giống phong lan Dendrobium.

– Nguyên nhân: Do nấm Alternaria Ap gây ra.

– Biện pháp phòng trừ: Dùng thuốc diệt nấm phun khi bệnh mới chớm xuất hiện, tránh tình trạng phòng trừ muộn ảnh hưởng đến chất lượng của hoa lan.

Bệnh do nấm Alternaria Ap gây ra (ảnh: khuyennongtphcm)

8. Bệnh đốm gỉ cánh hoa

– Triệu chứng: Vết bệnh ban đầu là một chấm nhỏ màu nâu hơi lồi lên, về sau lan rộng ra thành một đốm lớn màu nâu nhạt, có ranh giới rõ ràng giữa mô bệnh và mô khoẻ. Bệnh làm hoa lan mất vẻ đẹp, mất giá trị thẩm mỹ hàng hoá.

– Nguyên nhân: Do nấm Curvularia eragrostidis gây ra.

– Biện pháp phòng trừ: Dùng các loại thuốc diệt nấm có chứa lưu huỳnh phòng trừ sớm mới có tác dụng.

Bệnh do nấm Curvularia eragrostidis gây ra (ảnh: orchidees.fr)

9. Bệnh thối đen ngọn

– Triệu chứng: Vết bệnh ban đầu là một điểm nhỏ dạng hình bất định ủng nước, màu nâu đen. Bệnh hại chủ yếu trên lá non, ngọn và chồi cây hoa lan, làm đỉnh bị thối nhũn lan dần xuống dưới làm lá và cuống lá bị thối, lá dễ rụng. Bệnh thối đen ngọn phong lan có thể hình thành dịch trong điều kiện có ẩm độ cao (giọt nước, giọt sương mưa phùn) và nhiệt độ thấp (trên dưới 20°C). Vì vậy cần chú ý theo dõi phát hiện sớm để phòng trừ.

– Nguyên nhân: Do nấm Phytophthora palmivora gây ra.

– Biện pháp phòng trừ: cắt bỏ ngọn thối của cây phong lan đang bị sâu bệnh rồi phun thuốc diệt nấm Carboxin, Benomyn hay Validacin.

Bệnh do nấm Phytophthora palmivora gây ra (ảnh: programs.ifas.ufl.edu)

Ngoài các sâu bệnh hại nêu trên, cây hoa lan còn bị các bệnh khác gây hại như bệnh tàn cánh hoa do nấm Botrytis cinerea, bệnh thối trắng rễ do nấm Rhizoctoni solara, bệnh đốm vàng do nấm Cercospora dendrobii, bệnh Virus (TMV- O) và virus (CyMv) bệnh vàng lá sinh lý do nguyên nhân không truyền nhiễm (do nhiệt độ quá thấp hoặc quá cao) gây ra.

Trên cây hoa lan còn có một số bệnh do nguyên nhân sinh lý (không truyền nhiễm) như hiện tượng thiếu đạm lá chuyển sang màu vàng, cây sinh trưởng kém, rễ mọc ngoài chậu lan, thiếu lân cây cằn cỗi, lá có màu tím hoa cà. Thiếu Bo ngọn thường bị thối, thân lá nứt nẻ, cây còi cọc. Thiếu nước cây hoa lan nhăn nheo, thân teo, rễ nhỏ…

 

Phong lan đang bị sâu bệnh và các biện pháp phòng trừ

1. Nhện đỏ

Nhện đỏ thường xuất hiện sớm ở mặt dưới của lá cây phong lan nên rất khó phát hiện, sau đó sinh sôi nảy nở rất nhanh, cắn hại lá, chích hút dịch bào trong mô lá hoa lan tạo ra các đốm li ti dầy đặc màu nâu, rồi thành từng đám lớn. Khi bị hại nặng ở đằng sau lưng lá cây phong lan xuất hiện các sợi tơ, làm cho lá bị vàng đi, khô và rụng.

– Cách phòng trừ: Dùng thuốc hoá học Methylated Spirit, Kelthane 1 thìa cà phê/1L nước, Malathion 30g/20L nước phun liên tục l – 2 lần/tuần.

2. Bọ trĩ (Thrips palmi)

Bọ trĩ thường tập trung vào những nơi cánh hoa xếp chồng lên nhau, hút nhựa và đẻ trứng lên đó, con non nở ra lại tiếp tục cắn và hại cây phong lan. Cành hoa lan và nụ khi bị sâu thường bị héo vàng và rụng, các nụ hoa lan đang bị sâu bệnh sau khi hoa nở sẽ bị cong vẹo, cánh hoa lan đang bị sâu bệnh sẽ xuất hiện các vết đốm trắng, sau đó làm cho hoa lan bị biến màu, khô héo và mất đi vẻ đẹp vốn có của hoa lan. Cách phòng trừ dùng Sumicidin 5-15g/bình 8 lít để phun.

3. Rệp vảy (Scale insects)

Rệp vảy chủ yếu ký sinh ở lá, cuống lá và thân cây phong lan. Dùng miệng có gai tiêm vào cây và hút chất dinh dưỡng, sâu non mới nở bò khắp cây, rồi tìm những vị trí nhất định và ở lại rồi gây hại, hút nhựa cây.. Xảy ra nhiều ở những vườn lan trồng có nhiệt độ và ẩm độ cao, không thông gió và thoáng khí.

Cách phòng trị như sau: Thuốc hoá học: Malathion hoặc Trebon với lượng 10ml/bình 8 lít

4. Rầy bông (Mealy bugs)

Loại này chủ yếu phát triển vào mùa Xuân và mùa Hè, hút chất dinh dưỡng trên lá non, chồi non, nụ hoa lan và chồi hoa lan, khiến cho cây hoa lan chậm sinh trưởng, lá và hoa bị biến dạng, cong vẹo và phát triển kém. Cách phòng trừ như sau: sử dụng Trebon 10ND 8 – lOml/bình 10 lít hoặc Malathion 50 WP 1 thìa cà phê/4 lít nước phun hoặc nhúng cây trong 10 phút, cần lặp lại sau một tuần để diệt rệp mới nở.

 

Nguồn: 

http://kenhantan.com/2016/02/19/cach-nhan-biet-lan-dang-bi-sau-benh/

http://sunbulb.com/info/easy-orchid-growing/diseases/


PHONGLANVIETNAM.COM

42 Điện Biên Phủ, P.ĐaKao, Q.1, TP.HCM

( Bên cạnh cửa hàng xe máy YAMAHA, hướng từ Hàng Xanh vào Q1, gần đến ngã tư Điện Biên Phủ + Đinh Tiên Hoàng ) 

Hottline: 0902 857 234 – 0934 064 118

Email: ORCHIDSWORLDVN@GMAIL.COM

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *