CÁC BỆNH PHỔ BIẾN Ở LAN HỒ ĐIỆP

PHÒNG TRỪ SÂU BỆNH CHO LAN HỒ ĐIỆP P.3

 

Xem thêm:

Phòng trừ sâu bệnh cho Lan Hồ Điệp P.1

Phòng trừ sâu bệnh cho Lan Hồ Điệp P.2

Nhận biết sâu bệnh phòng ngừa cho Lan

 

* Sâu hại ở Lan Hồ Điệp thuộc họ châu chấu

Thường là loại châu chấu thân nhỏ, chúng bay vào vườn trồng Lan Hồ Điệp từ các vùng cỏ và cây trồng xung quanh vườn, gây hại vào thời điểm hè thu, cắn lá, cành hoa và cánh hoa. Để lại các lỗ trên lá, đối với các lá non, châu chấu cắn làm cho lá bị rụng. Cánh hoa Lan Hồ Điệp bị cắn không được lành lặn, giảm giá trị.

 

Cách phòng trừ sâu bệnh cho Lan Hồ Điệp như sau:

– Làm sạch cỏ xung quang vườn trồng Lan Hồ Điệp, giảm thiểu nơi trú ẩn và sinh sản của châu chấu.

– Dùng thuốc hóa học: Pegasus 500 SC, Supracide 40 EC với liều lượng và cách dùng theo khuyến cáo của nhà sản xuất.

 

* Bọ trĩ (Thrips palmi)

Bọ trĩ thường cắn hại hoa và lá non, phát sinh mạnh trong thời kỳ ra hoa của Lan Hồ Điệp. Bọ trĩ tập trung vào những nơi cánh hoa xếp chồng lên nhau, hút nhựa và đẻ trứng lên đó, con non nở ra lại tiếp tục cắn và hại cây. Cánh hoa và nụ khi bị sâu thường bị héo vàng và rụng, các nụ hoa Hồ điệp bị sâu sau khi hoa nở sẽ bị cong vẹo, cánh hoa Hồ điệp bị sâu sẽ làm xuất hiện các vết đốm trắng, sau đó làm cho hoa bị biến màu, khô héo và mất đi vẻ đẹp vốn có của hoa Lan Hồ Điệp, Khi hoa đã nở, sâu di chuyển đến các lá non khác, khiến cho các lá non này xuất hiện những đốm hoặc các vết màu nâu, lá bị cong vẹo.

Cách phòng trừ bọ trĩ như sau:

– Trong vườn trồng Lan Hồ Điệp treo các tấm bảng bắt côn trùng màu vàng để bắt bọ trĩ và quan sát tình trạng sâu bệnh

– Dùng thuốc hoá học: Sumicidin 5-15g/bình 8 lít; Kelthane 18,5 EC, 10-15ml/10lít

– Khi vườn trồng Lan Hồ Điệp còn trống để vườn lan đến nhiệt độ 39°c, liên tục 2-3 ngày để diệt.

 

* Rệp vảy (Scale insects)

Rệp vảy chủ yếu ký sinh ở lá, cuống lá và thân, rệp dùng miệng có gai tiêm vào cây và hút chất dinh dưỡng, sâu non mới nở bò khắp cây, rồi tìm những vị trí nhất định và ở lại rồi gây hại, hút nhựa cây. Khi bị nghiêm trọng làm cho lá bị vàng và héo rồi rụng. Một số sâu sống ở lưng lá? một số loại sống ở trên mặt lá. Rệp thường có nhiều ở những vườn trồng có nhiệt độ và ẩm độ cao, không thông gió và thoáng khí. Loại côn trùng này có tiết ra các dịch ngọt, làm môi trường cho bệnh muội than phát triển, ảnh hưởng đến vẻ đẹp của cây hoa.

Cách phòng trị rệp vảy như sau:

– Khi bị nhẹ dùng chổi lông quết hồ dính để quét hoặc cắt bỏ những phần bị rệp rồi hủy bỏ.

– Dùng thiên địch

– Thuốc hóa học: Malathion hoặc Trebon với lượng 10ml/bình 8 lít

 

* Rầy bông (Mealy bugs)

Rầy bông rất phát triển vào mùa Xuân và mùa Hè, rầy hút chất dinh dưỡng trên lá non, chồi non, nụ hoa và chồi hoa, khiến cho cây chậm sinh trưởng, lá và hoa bị biến dạng, cong vẹo và phát triển kém. Chất dịch ngọt của rệp tiết ra hấp dẫn kiến, bệnh muội than và các bệnh nấm khác.

Cách phòng trừ rầy bông như sau:

– Dùng thuốc hóa học:

+ Trebon 10ND 8-10ml/bình 10 lít

+ Malathion 50 WP 1 thìa cafe/4 lít nước phun hoặc nhúng cây trong 10 phút, cần lặp lại sau một tuần để diệt rầy mới nở.

– Dùng thiên địch tự nhiên

– Dùng bảng màu vàng để bắt rầy.

 

* Ngài và bướm đêm

Chủ yếu là loại ngài đêm cánh sọc, con ngài cái bay vào vườn lan, đẻ trứng trên mặt dưới của lá, sau khi trứng nở thành đám sâu non cắn hại lá non, tạo thành những lỗ ăn sâu trên lá, trên giá thể có các vết phân của sâu màu đen, mỗi năm có thể sinh sôi 7-8 đời, từ đời thứ 3 bắt đầu gây hại trên diện rộng. Vào giai đoạn hoa nở, sâu cũng cắn cành hoa và cánh hoa. Sâu non ban ngày núp trong giá thể và trong lá héo, đợi trời tối mới ra gây hại.

Cách phòng trừ ngài và bướm đêm như sau:

– Làm sạch cỏ xung quanh vườn lan, lá già và lá rụng để cho sâu không còn nơi ẩn nấp. Thường xuyên xem xét vườn lan, đêm tối soi đèn pin phát hiện sâu để kịp thời loại bỏ.

– Đặt các hộp giấy đã bôi các chất kích tố sinh dục ngoài vườn lan để hấp dẫn con ngài đực, diệt bỏ ngài đực và khống chế được sâu hại.

Dùng thuốc hóa học: Pegasus 500 sc, Supracid 40 EC, liều lượng và cách dùng theo hướng dẫn trên bao bì của nhà sản xuất.

 

* Nhện

Chủ yếu là nhện đỏ, nhện vàng và nhện già, xảy ra nhiều vào lúc thời tiết khô hanh và nhiệt độ cao, chúng xuất hiện sớm ở lưng lá nên rất khó phát hiện, sau đó sinh sôi nảy nở rất nhanh, cắn hại lá tạo ra các đốm li ti dầy đặc màu nâu, rồi thành từng đám lớn. Lúc nghiêm trọng ở đằng sau lưng lá xuất hiện các sợi tơ, làm cho lá bị vàng đi, cong vặn lại và rồi rụng.

 

Cách phòng trừ nhện như sau:

– Dùng nước xà phòng loãng phun một lớp trên bề mặt lá và lưng tạo thành màng xà phòng khiến sâu không ký sinh được.

– Dùng thiên địch

– Dùng chất hóa học:

+ Sulphur weltable power 1kg/20 lít nước

+ Red Spiderand mite spray: 1 thìa cafe cho 4 lít nước

+ Aramite 15% 30g/20 lít nước

+ Chlocide 20g/20 lít xịt liên tục 2, 3 lần

+ Methylated spirit, Kelthane 2%

 

* Bọ phấn

Xảy ra ở nhà trồng lan không thông gió thường tập trung ở trên cây lan, khi bị nặng làm cho lá, cuống lá và trên thân đều bám đầy sâu, khả năng sinh sản của chúng rất mạnh, khiến cho lá bị héo và rụng. Khi có bọ hại, phun thuốc hóa học Pegasus 500 SC, Supracide 40 EC với liều lượng và cách dùng theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Hoặc dùng các bảng bắt côn trùng màu vàng để bắt.

Động vật gây hại

* Ốc sên

Thường là ốc sên đầu dài và ốc sên châu Phi, chúng thích nghi với môi trường ẩm thấp, thường nấp trong rãnh nước, cỏ dại, lá già hoặc trong chậu trồng. Ban ngày nấp, ban đêm bò ra cắn lá, chồi, hoa, rễ. Khi bò xung quanh để lại các vết dài màu trắng, ảnh hưởng đến vẻ đẹp của hoa. Vào những ngày mưa hoặc lúc sắp tối chúng bò ra cắn hại.

Cách phòng trừ ốc sên như sau:

– Diệt sạch cỏ dại và lá rụng, không nên dự trữ nước trong vườn, làm vệ sinh định kỳ sạch sẽ.

– Bắt ốc sên vào lúc sáng sớm và lúc hoàng hôn

– Rắc vôi bột xung quanh để ốc sên bị cách ly

– Dùng một số mồi tẩm thuốc độc để diệt

 

Nguồn: http://kenhantan.com/2016/03/14/phong-tru-sau-benh-cho-hoa-lan-ho-diep/


PHONGLANVIETNAM.COM

42 Điện Biên Phủ, P.ĐaKao, Q.1, TP.HCM

( Bên cạnh cửa hàng xe máy YAMAHA, hướng từ Hàng Xanh vào Q1, gần đến ngã tư Điện Biên Phủ + Đinh Tiên Hoàng ) 

Hottline: 0902 857 234 – 0934 064 118

Email: ORCHIDSWORLDVN@GMAIL.COM